Nên đọc trước:
Vì sao gọi là Khởi Nghiệp Tự Nhiên
Bước 1: Chọn ý tưởng khởi nghiệp
Sau khi bạn chọn được ý tưởng sẽ thực hiện, tức là xác định được vấn đề mà bạn sẽ dốc tâm giải quyết, ví dụ: “khi còn là một sinh viên xây dựng, tôi rất muốn được tìm hiểu các kiến thức thực tế tại công trường nhưng rất khó khăn. Đó luôn là một vấn đề bức thiết trong việc đào tạo sinh viên xây dựng, và bây giờ tôi sẽ tìm cách giải quyết vấn đề đó”.
Hoặc bạn đã xác định sẽ quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình cho dù nó không giải quyết một vấn đề bức thiết nào của xã hội, ví dụ: “tôi muốn mở một quán ăn đặc sản, tôi sinh ra tại Gia Lai và rất yêu quê hương của mình, nên tôi sẽ mở một quán bán đặc sản Phở Khô Gia Lai ngay tại đất Sài Thành”.
Đó mới chỉ là ý tưởng bạn sẽ thực hiện, tiếp theo bạn cần lên kế hoạch để xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ cho ý tưởng đó.
Đầu tiên, bạn cần khảo sát thị trường trong nước xem đã có những ai đang thực hiện ý tưởng này, tiếp theo là thị trường nước ngoài. Hãy tìm ra những cái hay, chỗ dở của họ. Cái hay ấy mà đem áp dụng cho ý tưởng của bạn thì cần cải tiến điều gì, có cách nào khắc phục chỗ dở ấy không?
Nếu bạn thấy rõ những vấn đề mà chưa có ai giải quyết thấu đáo, thì hãy tìm mọi cách để giải quyết nó tốt hơn mọi người. Đầu tiên bạn nên đọc tài liệu, tham vấn các chuyên gia, trò chuyện với những người thợ, và hãy sắn tay vào làm công việc ấy như một công nhân, như một người bán hàng, và ngày đêm nung nấu về điều đó, cuối cùng tiềm thức sẽ cho bạn một giải pháp toàn vẹn nhất.
Để sản phẩm của bạn không bị lỗi thời, bạn nên áp dụng tối đa những thành tựu công nghệ mới nhất cho sản phẩm của mình. Điều này vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí, vừa tạo thuận lợi cho khâu marketing sản phẩm tại bước thứ năm.
Ví dụ với ý tưởng thứ nhất (giúp sinh viên xây dựng): bạn đã tìm ra được vài giải pháp như thuyết phục các công trường cho sinh viên thực tập, tổ chức các buổi chia sẻ của những người có kinh nghiệm cho sinh viên, giúp kết nghĩa huynh-đệ giữa sinh viên và thế hệ đàn anh… nhưng tất cả đều mạng lại hiệu quả thấp vì giúp được rất ít sinh viên mà chi phí tổ chức lại khá tốn kém. Bạn chợt nảy ra ý định ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề này, tức là bạn sẽ tạo ra một nơi trên mạng cho các thế hệ đàn anh có thể dễ dàng chia sẻ những video, tài liệu, kinh nghiệm thực tế cho các em sinh viên và nhận kết nghĩa huynh-đệ để dìu dắt các em sau này. Rồi bạn tự hỏi, sao ta không kết nối các nhu cầu khác trong ngành xây dựng? À, tức là ta cần tạo ra một thứ gần giống mạng xã hội riêng cho ngành xây dựng. Đó chính là sản phẩm mà bạn quyết định sẽ xây dựng cho ý tưởng này.
Có một số bạn đã tìm được những sáng kiến đột phá cho ý tưởng của mình nhưng quyết định không thực hiện nữa, đơn giản vì các bạn ấy cho rằng sau khi ra đời, sản phẩm của họ sẽ bị đánh cắp bản quyền một cách nhanh chóng. Mối lo ấy hoàn toàn hợp lý, nhất là ở một xứ không tôn trọng bản quyền như Việt Nam. Nhưng đó không phải là lý do để các bạn đem chôn ý tưởng của mình xuống. Tại bước thứ 6, tôi sẽ chỉ các bạn làm cách làm thế nào để tạo ra một cỗ máy tự động cải tiến sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng đến nỗi các đối thủ của bạn sẽ luôn bị bỏ lại phía sau nếu cứ mãi sao chép ý tưởng của bạn. Ngoài ra, hãy đăng ký bản quyền ý tưởng, hãy mạnh dạn thực hiện và tiếp tục sáng tạo hơn nữa. Người ta chỉ có thể bắt chước sản phẩm của bạn chứ không thể đánh cắp sự sáng tạo của bạn. Hơn nữa, khách hàng thường có một sự ưu ái nhất định cho những người tiên phong đi đầu. Cũng chính vì vấn đề này mà đòi hỏi các bạn phải sáng tạo thật nhiều để tạo ra những bí quyết cho riêng mình, nhờ đó sản phẩm của các bạn mới có tính phòng-vệ cao.
Nên đọc tiếp:
Bước 3: khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ
Bước 4: Tạo sản phẩm, dịch vụ demo
Bước 5: Marketing
Bước 6: Tạo cộng đồng khách hàng
Có nên khởi nghiệp không?
Tác giả: Gia Nam
Founder & CEO SmartWebsite.vn
www.gianam.vn