Nên đọc trước:
Vì sao gọi là Khởi Nghiệp Tự Nhiên
Bước 1: Chọn ý tưởng khởi nghiệp
Bước 2: Xác định sản phẩm hoặc dịch vụ
Bước 3: khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ
Bước 4: Tạo sản phẩm, dịch vụ demo
Bạn có cảm nhận như thế nào về các hình thức marketing truyền thống trên tivi, báo đài, phát tờ rơi, gọi điện thoại… Riêng đối với tôi thì nó không hiệu quả lắm
vì ba lý do: thứ nhất, nó không tập trung vào đúng nhóm khách hàng mục tiêu; thứ hai, nó có chi phí quá cao; thứ ba, nó gây phiền khách hàng vì xuất hiện không đúng lúc. Thực ra nó chỉ dành cho các thương hiệu lớn với kinh phí marketing khổng lồ, và phù hợp với các loại hàng tiêu dùng hoặc những thứ mà ai cũng cần đến. Với các doanh nghiệp nhỏ, hoặc những sản phẩm chuyên biệt thì không nên áp dụng các hình thức marketing này. Vậy hình thức nào sẽ phù hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với một kinh phí marketing hạn hẹp?
Hãy nhớ lại bước thứ hai, bạn đã xác định được sản phẩm của mình sẽ giải quyết một vấn đề bức thiết nào đó của xã hội. Vậy sao bây giờ bạn không tìm đến những người đang cần giải quyết vấn đề đó và nói với họ rằng: “chúng tôi hiểu bạn đang gặp phải vấn đề gì, chúng tôi tin rằng vấn đề đó sẽ được giải quyết theo cách này…, và gần đây chúng tôi đã chế tạo ra một sản phẩm để giải quyết vấn đề của bạn theo cách đó, bạn có muốn thử không? Chúng tôi hoàn toàn miễn phí vì đây là sản phẩm thử nghiệm”.
Tùy vào từng loại sản phẩm mà bạn có thể tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu theo cách thủ công hay dùng công nghệ. Nhưng dù cách nào thì bạn cũng chỉ nên tiếp cận đúng nhóm khách hàng mục tiêu đang cần sản phẩm của bạn thôi. Với vấn đề kẹt xe và giá thuê nhân lực cao như hiện nay thì sử dụng internet vừa có chi phí thấp vừa mạng lại hiệu quả cao.
Vậy làm cách nào để sử dụng internet tiếp cận được đúng nhóm khách hàng mục tiêu?
Đầu tiên, bạn phải có một “bộ mặt” chuyên nghiệp cho thương hiệu của mình thì mới tạo được lòng tin ban đầu. Nếu bạn marketing trong thế giới thực theo cách truyền thống, bạn cần thuê một mặt bằng hoành tráng tại một vị trí đắc địa, luôn có một hàng nhân viên bảnh bao và những tiện nghi sang trọng. Cách này ngốn của bạn rất nhiều tiền nên khiến bạn nhanh chóng bị “mất máu” dẫn đến kiệt sức trước khi tới điểm hòa vốn.
Khi marketing trong thế giới phẳng trên internet, bạn cũng cần phải có một mặt bằng tọa lạc tại vị trí đắc địa, đó chính là một tên miền “đắc địa”. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh đồ nội thất thì tên miền NoiThat.com giống như một mặt bằng trước cổng chợ Bến Thành. Vì mỗi ngày có hàng ngàn người tìm kiếm các từ khóa liên quan đến Nội Thất, tức là có hàng ngàn khách hàng đi ngang qua cửa hàng của bạn. Do đó, một tên miền đẹp, dễ nhớ, dễ lan tỏa sẽ giúp bạn rất đắc lực khi marketing trong thế giới phẳng.
Trên mảnh đất đắc địa ấy, bạn cần phải xây dựng một tòa nhà thật hoành tráng, đó chính là một website chuyên nghiệp về giao diện, hấp dẫn về nội dung. Đây không những là nơi trưng bày sản phẩm, giới thiệu dịch vụ, mà còn là nơi kể ra những câu chuyện thành bại làm nổi bật GIÁ TRỊ sản phẩm của bạn đối với khách hàng (xem lại bước 3 để hiểu về giá-trị của sản phẩm). Tôi còn muốn nhấn mạnh với bạn thêm điều này, tất cả những nội dung ấy cần phải thể hiện bằng một thứ “ngôn ngữ thôi miên” đầy quyến rũ, vì nó có một quyền năng đặc biệt khiến mê hoặc lòng người. Từng câu từng chữ trong website của bạn phải níu chân được khách hàng như những nhân viên bán hàng điêu luyện và khiến họ phải bấm vào nút Đặt Hàng trước khi rời đi.
Sau khi xây dựng xong “đại bản doanh”, hiện nay (2017) tôi thấy có hai cách phổ biến để tiếp cận khách hàng mục tiêu:
Cách thứ nhất, nhờ Google bằng cách SEO từ khóa và mua gói quảng cáo Google Adwords. Bạn nên tự tìm hiểu cả những cách “chính đạo” để áp dụng, cả những cách “tà đạo” để không bị những “sát thủ SEO mũ đen” dụ dỗ (bữa nào mát trời tôi sẽ viết riêng một bài về điều này). Tại vườn ươm khởi nghiệp Smartwebsite.vn, có nhiều chủ dự án thuộc hạng “lãng nhân”, chủ quan khinh địch, bảo với tôi thế này: “Gia Nam à, cuộc đời bất công nuôi ta lớn, giang hồ hiểm ác dạy ta khôn, tà đạo cũng có cái hay của nó chứ!”. Thường thì khoảng một năm sau ngày đó, họ mời tôi đi ăn “giỗ đầu” cái tên miền yêu quý của họ, vì nó đã bị Google xếp vào danh sách đen với tội danh “lừa dối Google”, nghĩa là nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ hiển thị trên kết quả tìm kiếm của Google nữa. Thực là tai hại, tiền mất tật mang!
Cách thứ nhì, nhờ cánh tay khổng lồ của Facebook để kéo những khách hàng trung thành đến với bạn. Hãy xem lại bước 2 và bước 3 trước khi đọc tiếp bước này.
Tại bước thứ hai, nếu bạn đã xác định sản phẩm của mình sẽ giải quyết một vấn đề bức xúc nào đó của xã hội thì hãy thể hiện cách mà bạn giải quyết vấn đề đó trên Fanpage của bạn, sao cho nó trở thành một quyển cẩm nang bổ ích cho tất cả những ai đang gặp phải vấn đề đó.
Nếu sản phẩm của bạn chỉ là kết tinh từ sự đam mê của chính bạn, hãy thể hiện niềm đam mê đó một cách “bùng cháy không e ngại” trên Fanpage của mình, vì thiên hạ thường thích những sản phẩm của sự đam mê hơn là những sản phẩm công nghiệp.
Tại bước thứ ba, bạn đã tìm ra một ý tưởng độc đáo để khác biệt hóa sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, bây giờ là lúc dùng nó để khiến khách hàng phải liên tục share cho nhau về điều đó. Tùy vào ngân sách và thế mạnh của mình mà bạn sẽ tạo ra những câu chuyện, những hình ảnh, những đoạn phim, những ebook, những món quá, những vật phẩm…hoặc bất cứ thứ gì có thể khuếch trương được điều khác biệt đó của bạn. Và đừng quên tạo ra những câu chuyện thú vị xung quanh chúng để kể lại trên Fanpage của bạn.
Ngoài việc share những thông tin khô khan như sản phẩm, khuyến mại, blog… từ website lên Fanpage, bạn cần phải làm cho nó thân thiện hơn, cần phải “thổi hồn” vào nó, khiến cho nó “có tính người” hơn, bằng những câu chuyện thành bại của bạn, câu chuyện cảm động của khách hàng khi sử dụng sản phẩm của bạn nữa. Tôi lại muốn nói thêm, muốn vậy bạn cần phải có những ý tưởng thật “khêu gợi”, và diễn nó ra bằng một thứ ngôn ngữ thôi miên đến “đặc quánh” thì Fanpage của bạn mới không bị vướng vào cái nạn sáo rỗng như các Fanpage hiện nay.
Sau khi có một Fanpage CỞI MỞ và ĐIỀM ĐẠM rồi, hãy kết giao thêm những người bạn bằng cách liên hệ với những Fanpage, Group liên quan đến sản phẩm của bạn (không phải đối thủ của bạn) để ngỏ lời với họ về một sự giới thiệu qua lại lẫn nhau. Nhưng theo tôi cách tốt nhất vẫn là mua gói quảng cáo của Facebook, vì bạn có thể chọn những người mà Facebook sẽ đưa bài viết của bạn lên bản tin của họ. Bạn nên biết rằng Facebook theo dõi từng “cái Like” của bạn nên họ biết bạn quan tâm điều gì, thường lui tới những trang nào, thường xem bài viết nào, nên họ có thể quảng cáo bài viết của khách hàng đến đúng những người quan tâm đến sản phẩm của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, Facebook cũng chỉ như một “người phát tờ rơi” thông minh và lém lỉnh mà thôi, tức là nó sẽ dán bài viết của bạn trước cửa nhà khách hàng, còn họ có xem hay xé nó đi lại phụ thuộc và hình ảnh và nội dung bài viết của bạn. Họ đọc bài viết rồi có like Fanpage hay không lại tùy thuộc vào toàn bộ nội dung Fanpage có hữu ích cho vấn đề của họ không, nên suy cho cùng thì nội dung mới là yếu tố quyết định.
Ngoài ra, còn một số cách marketing khác như thông qua các bài review của những người nổi tiếng, tận dụng sức mạnh của báo chí, truyền thông, tham dự các cuộc thi… bữa nào mát trời tôi xin kể thêm. Bạn chỉ cần nhớ rằng, dù làm cách nào thì muốn thành công và tiết kiệm chi phí trong marketing, bạn buộc phải sáng tạo ra cách riêng của mình. Marketing vốn là một ngành công nghiệp của sự sáng tạo.
Nên đọc tiếp:
Bước 6: Tạo cộng đồng khách hàng
Có nên khởi nghiệp không?
Tác giả: Gia Nam
Founder & CEO SmartWebsite.vn
www.gianam.vn